Chăm sóc sức khoẻ của chính mình trước khi quá muộn

17/11/2021 08:57 | 708 |
0 Đánh giá

Có một thực trạng đáng buồn: Giới trẻ hiện nay dường như rất đam mê công việc, cầu tiến trong sự nghiệp nhưng lại ngó lơ sức khỏe của chính mình, thường xuyên thức khuya, dậy muộn, bỏ bữa, ăn uống bừa bãi và không coi trọng việc thăm khám định kỳ. Phải chăng lối suy nghĩ “sống được ngày nào hay ngày đấy” đã ăn sâu vào nếp sống của các bạn trẻ? Phải chăng các bạn đang quá tự cao về chính sức khỏe của mình? Phải chăng các bạn đang đặt sự nghiệp, tiền bạc lên trên lợi ích của sức khỏe?

1. Thành công sự nghiệp được đánh đổi bằng sức khỏe

Tôi nhớ đến câu chuyện năm 2019 về một chàng trai làm nghề quay phim đột tử sau 40 tiếng đồng hồ làm việc liên tục. Sự kiện này giống như một hồi chuông báo động về cách sống, cách làm việc của giới trẻ hiện nay. Bởi vì lối sống của chàng trai này không lấy gì làm xa lạ, tôi biết không ít người trẻ tuổi cũng đang sống theo kiểu như vậy. Hết mình vì công việc, hy sinh thời gian cá nhân để làm việc cho kịp tiến độ, khẳng định năng lực và có cơ hội thăng tiến.

Về tinh thần cầu tiến, tôi quả thực khâm phục các bạn trẻ trong độ tuổi 20-30 hiện nay. Họ rất tài giỏi, tham vọng, tự tin và năng nổ, hơn nhiều so với những lớp trước như chúng tôi. Có lẽ, một phần đến từ áp lực xã hội và sự cạnh tranh gay gắt trong môi trường công việc. Ai cũng đặt mục tiêu phải có thu nhập cao, có nhà lầu, xe hơi, được mọi người trong xã hội nể trọng. Với những bạn xuất thân khó khăn, ước mơ đó lại càng lớn, kéo theo là áp lực đè nặng hơn nữa.

 

Làm thế nào để thành công? Họ đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn và ép bản thân phải đạt được. Họ cầu kỳ, kỹ lưỡng trong công việc bởi vì từng con số, từng câu nói, từng kết quả lao động của họ đều có thể bị đem ra đánh giá. Họ buộc phải nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực. Nhiều người nỗ lực cho đến chết, như cậu bạn trên.

Để đầu tư cho công việc, cần có vốn, mà tuổi trẻ có nguồn vốn nào khác ngoài sức khỏe đang ở thời kỳ sung mãn? Cũng vì vậy mà nhiều người phung phí sức khỏe của mình để đánh đổi lấy lợi danh để rồi đến khi quay lại thì mới tiếc vì đã không biết quý trọng cái vốn đáng giá nhất nhưng lại hữu hạn của con người.

Có những người rất cầu toàn trong công việc, trước khi nộp một bản báo cáo phải đọc đi đọc lại, sửa tới sửa lui đến hàng chục lần. Nhưng với các lựa chọn liên quan mật thiết đến sức khỏe của mình thì lại rất dễ dãi. Đơn cử như chuyện ăn uống, giờ đây công nghệ phát triển, dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến nở rộ, họ dễ dàng chọn một thứ để ăn qua quýt cho kịp giờ làm việc. Họ sẵn sàng thức thâu đêm làm việc cho kịp yêu cầu của cấp trên và coi đó là cách cống hiến và thể hiện hết mình vì công việc.

Một mặt do các yếu tố hình thái xã hội ngày càng bấp bênh, bất ổn khiến cho những thói quen chăm sóc sức khỏe bị bỏ qua. Khi các vấn đề cơ bản là chỗ ở, công việc và tài chính chưa ổn định, người ta khó có tâm trí để quan tâm đến sức khỏe. Dưới áp lực công việc, tình trạng lo lắng, trầm cảm xảy ra ngày một nhiều, lại dẫn đến hệ lụy người trẻ sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích… để xả stress và từ đó kéo theo những vấn đề trầm trọng hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tôi từng khám cho rất nhiều thanh niên mắc phải những căn bệnh vì lối sống “bán mạng”: loét dạ dày, suy gan, thị lực suy giảm, thiếu máu, đau đầu kinh niên, xương khớp rệu rã… Bệnh thể chất là một nhẽ, nhưng bệnh tinh thần cũng là vấn đề bức thiết mà nhiều người bỏ qua.

 

Một bệnh nhân của tôi từng ngậm ngùi tâm sự: “Sau khi được cất nhắc lên chức trưởng phòng, ngày nào em cũng làm việc đến 20-21h mới về đến nhà. Ăn vội bát cơm là lại mở máy tính làm tiếp kế hoạch, báo cáo để kịp trình sếp. Chưa đầy 2 tháng mà em sút tận 5kg. Bạn bè rủ đi chơi cũng không có thời gian. Lúc nào cũng mệt mỏi, chán chường, đau nửa đầu, không thể tập trung làm gì nổi, đến cả cái mật khẩu tài khoản email dùng đã gần chục năm nay em cũng quên bẵng mất…”.

Kể ra như vậy để thấy, giới trẻ thành đạt thường xuyên gặp tình trạng trầm cảm. Tôi có đọc một nghiên cứu trong đó chỉ rõ có tới trên 60% thanh niên bây giờ từng cảm thấy hoàn toàn thất vọng về tương lai. Nhưng các dấu hiệu bất ổn này bị che giấu giữa áp lực công việc, hơn nữa do thói quen ngại chia sẻ, sự tự tôn và cái tôi lớn mà họ không thể thừa nhận bản thân đang không ổn. Bởi vậy có những người nhìn bên ngoài hết sức thành đạt, giỏi giang, cuộc sống như mơ nhưng bên trong đã rệu rã hết cả.

2. Chăm sóc sức khoẻ của chính mình trước khi quá muộn

Có người hỏi làm thế nào để thay đổi nhận thức và coi trọng sức khỏe? Tôi cho rằng đó là một điều rất khó. Vì những câu chuyện sinh nghề tử nghiệp như của bạn trẻ làm nghề quay phim không hiếm. Có vô số thanh niên đang miệt mài với công việc, cày cuốc thâu đêm suốt sáng như vậy. Trên bàn là vỏ hộp mì, vỏ lon nước tăng lực, cà phê, gạt tàn đầy ắp những mẩu thuốc, vỉ thuốc giảm đau… Đó là cách họ ép cơ thể phải đủ khỏe và đủ tập trung để còn làm việc cho hiệu quả nhưng cũng là cách họ đang từ từ hủy hoại bản thân.

Quay lại việc giải đáp câu hỏi ở trên, tôi xin dùng câu nói này: Người ta chỉ biết quý những gì mình có khi đã mất đi. Tương tự như vậy, khi sức khỏe không còn, khi cơ thể suy kiệt, thể hiện rõ những dấu hiệu báo động thì họ mới biết tiếc và lo lắng.

 

Khoảnh khắc mà người ta nhận thức rõ ràng nhất về sự quý giá của sức khỏe chính là khi chờ đợi kết quả khám ở bệnh viện. Nếm trải đủ mọi cung bậc cảm xúc: lo lắng về bệnh tình, nếu quả thật bị bệnh thì sao, nếu mắc những căn bệnh nan y thì phải làm thế nào, tiền đâu chữa chạy? Sau đó là sự tiếc nuối và hối hận: “Giá như hồi đó mình đừng thức khuya nhiều, đừng ăn uống vô tội vạ, đừng hành hạ sức khỏe bản thân”. Lúc đó thì đã muộn.

Mỗi ngày, trung bình chúng ta đi làm 8 tiếng đồng hồ, ngủ 8 tiếng, mọi sinh hoạt khác diễn ra trong 8 tiếng còn lại. Đó là ước lượng, còn thực tế thì có những người làm việc đến mười mấy tiếng một ngày, tương ứng với việc thời gian ngủ nghỉ bị co hẹp lại. Ngủ 3-4 tiếng mỗi ngày, các sinh hoạt khác cũng chỉ diễn ra trong vài tiếng, mà vài tiếng đó lại chủ yếu cho những việc như lướt điện thoại, chơi game… Vậy thì mười mấy tiếng một ngày để làm việc đó có ý nghĩa gì khi nó không hề giúp nâng cao chất lượng quãng thời gian còn lại của bạn?

 

Đừng làm việc với tâm lý bây giờ tôi đánh đổi một chút, sau này khi có tiền, có địa vị tôi sẽ tận hưởng cuộc sống sau. Điều đó sẽ dẫn đến nghịch lý trớ trêu rằng khi còn trẻ, mọi người sẵn sàng hy sinh sức khỏe để đổi lấy vật chất, nhưng khi nhiều tuổi lại sẵn sàng đổi cả gia sản hòng lấy lại được chút ít sức khỏe đã mất.

3. Thay đổi không khó, nhưng cần sự quyết tâm và kiên trì bền bỉ để tạo thói quen lành mạnh

Để kịp thời cứu vãn sức khỏe, các bạn cần phải tự vượt qua rào cản của bản thân. Tất cả nằm ở một chữ “lười”. Lười ăn, lười vận động, lười tìm hiểu cách chăm sóc bản thân (dù làm việc thì ngược lại, rất chăm chỉ cần mẫn). Hãy tìm cách bỏ đi những ngụy biện “không có thời gian”, “đặc thù công việc” thường được lấy làm cớ để sống bừa, sống vội.

Nếu đã một lần chăm người ốm, bạn sẽ biết phục hồi sức khỏe đối với một người bệnh khó khăn như thế nào. Nhưng nếu còn khỏe, thì việc quan tâm và chăm sóc đến sức khỏe lại là điều cực kỳ đơn giản, ai cũng thừa sức làm được. Bản thân tôi cũng là người rất bận rộn, có những ngày tôi khám và điều trị liên tục cho hàng chục bệnh nhân. Dù không phải người trẻ tuổi, nhưng tôi cũng xin chia sẻ những cách để giữ sức khỏe mà tôi đã áp dụng cho chính mình:

Ăn đúng

Thay vì bạ gì ăn nấy, ăn qua loa cho xong bữa, các bạn nên chú ý hơn đến vấn đề dinh dưỡng. Bữa ăn cần phải đáp ứng được nhu cầu về khoáng chất, vitamin thiết yếu cho cơ thể. Hiện tôi thấy một số bạn trẻ có phong trào ăn uống lành mạnh, sử dụng thực phẩm sạch, hạn chế việc chế biến cầu kỳ, tránh sử dụng nhiều đường bột, dầu mỡ và tính toán được lượng calo cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Điều này rất tốt và nên được phát huy.

 

Ngoài ra, thái độ trong bữa ăn cũng là điều quan trọng. Chớ nên coi bữa ăn chỉ là thứ đơn giản để duy trì sự sống. Nếu vậy thì làm sao mỗi quốc gia, mỗi vùng đất lại có những món đặc sản, có nền tinh hoa ẩm thực phong phú đa dạng? Ấy là bởi ẩm thực chính là nghệ thuật và tinh thần. Hãy ăn một cách thưởng thức, khoan thai trong tâm trạng tích cực. Khi ăn hạn chế xem điện thoại, máy tính để tận hưởng bữa ăn một cách trọn vẹn nhất.

Ngủ đủ

Danh y Hoa Đà có câu nói nổi tiếng: “Tâm ngủ trước, thân ngủ sau”, có nghĩa là cần có sự cân bằng trong tâm trí thì cơ thể mới đi được vào giấc ngủ sâu và an tĩnh. Trước khi ngủ, đừng suy nghĩ quá nhiều về công việc hoặc những trăn trở trong cuộc sống. Bạn đã đấu tranh, đã mạnh mẽ cả một ngày dài rồi, nên hãy cho thưởng cho bản thân một giấc ngủ đúng nghĩa. Để ngày mai thức dậy, tinh thần của chúng ta phấn chấn tinh anh, thể lực của chúng ta sung mãn dồi dào. Như vậy lại càng khiến hiệu quả công việc cao hơn.

 

Khoa học từ lâu đã chứng minh, việc ngủ đủ có tác dụng thế nào với cơ thể và thiếu ngủ sẽ gây ra hậu quả ra sao. Mỗi người nên sắp xếp ngủ trước 12h đêm, ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi ngày để tế bào trong cơ thể có thời gian tái tạo, đồng thời tránh được các nguy cơ bệnh tật.

Sinh hoạt đúng

Mỗi người có một điều kiện, hoàn cảnh riêng nên cách sinh hoạt sao cho đúng có nghĩa là hợp lý với bản thân mỗi người. Nhưng tựu chung, sinh hoạt đúng cần có sự cân bằng, cán cân thời gian không bị thiên lệch thái quá về một mặt nào đó giữa ăn – ngủ – làm việc. 

 

Đồng thời chất lượng mỗi hoạt động cần được đảm bảo: không làm việc lao lực, không buông thả trong ăn uống, không ăn chơi quá độ, hạn chế rượu bia, thuốc lá, chất kích thích. Ngoài ra việc vận động, thể dục thể thao thường xuyên cũng là rất quan trọng để tăng cường thể chất. 

Tinh thần tràn đầy năng lượng

Căng thẳng trầm trọng và kéo dài có thể làm tổn hại hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến chức năng sinh lý, khiến cơ thể dễ trở thành “mồi ngon” cho bệnh tật. Vậy cho nên sự cân bằng về tinh thần là điều vô cùng quan trọng. 

Tôi từng nghiên cứu về năm kỹ năng cần thiết đối với con người trong xã hội hiện đại để vượt qua áp lực cuộc sống: Độ lượng với người khác; Yêu thích công việc mình đang làm; Chủ động ứng phó với bất lợi; Hạn chế xa xỉ; Dung dưỡng cảm xúc tích cực.

Khi cảm thấy mệt mỏi, bạn hãy để tâm trí mình được nghỉ ngơi. Giới trẻ bây giờ có lợi thế là rất sẵn có những trò giải trí, nhưng hãy chọn cách giải trí lành mạnh, bổ ích như đọc sách, nghe nhạc, trồng cây… thay vì mê mẩn điện thoại, máy tính. Khi bạn tiêu cực, hãy chấp nhận cảm xúc bi ai, hỉ nộ ái ố của bản thân, đối diện với nó để vượt qua nó, đừng nên mượn rượu giải sầu hoặc vùi đầu vào khói thuốc.

 

Bản thân tôi có một kinh nghiệm để vượt qua sự cáu giận, buồn bực. Tôi thường hít thở sâu, nhắm mắt tịnh tâm trong khoảng 1-2 phút, hoặc nếu có thời gian thì tản bộ một lát để cảm xúc bình ổn trở lại. Các bạn có thể thử xem sao.

Tôi viết bài này không hàm ý dạy đời, mà chỉ đơn giản xuất phát từ những vấn đề mà tôi nhận thấy khi trình công tác trong ngành y. Mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đang quay cuồng trong công việc mà quên mất rằng sức khỏe là vốn quý nhất của con người, là thứ cần nghiêm túc đầu tư và dành tâm sức vào nhất.

 

Tags: suckhoe

Tin tức liên quan

Bình luận
THANH THÚC GROUP (028)7778.7779 - 08.3979.3939 - 0909.168.858. Giờ làm việc : 09am - 20pm Thứ 2 đến Chủ Nhật
  • HOTLINE:08.39.79.39.39-09.09.16.88.58